Chuyển đến nội dung chính

Thực trạng và giải pháp sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông cửu long - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương

Đồng bằng sông Cửu Long – một điểm đến không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây. Trải dài gồm 13 tỉnh và 01 thành phố, ĐBSCL mang nhiều nét đặc trưng về tự nhiên và văn hóa tạo ra một sức hút đặc biệt cũng như tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nổi cộm nhất chính là tính dễ trùng lắp của sản phẩm dịch vụ ở từng địa phương trong Vùng – đây cũng là yêu cầu cấp thiết để phát triển du lịch bền vững ĐBSCL.


Du lịch Việt Nam trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về số lượt khách quốc tế và cả nội địa, tổng doanh thu cũng như có sự đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc dân Việt Nam. Hình ảnh du lịch quốc gia đã được biết tới trên thị trường du lịch khu vực và thế giới… Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững, hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được như mong đợi, trong đó, những tồn tại về sản phẩm du lịch luôn là vấn đề cần được quản tâm hàng đầu.
Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch về vị trí địa lý tự nhiên; có tính đa dạng hệ sinh học cao, có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật phong phú, đa dạng... Ngoài ra, còn có các cảnh quan sông nước, ven biển cùng nhiều tài nguyên nhân văn đậm đà bản sắc con người Nam bộ…
Thế nhưng, hoạt động du lịch tại Đồng bằng Sông Cửu Long không nằm ngoài diễn tiến chung của du lịch Việt Nam cũng như thực trạng của một vài địa phương bước đầu khai thác thế mạnh du lịch như: một số tuyến giao thông chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển du lịch, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp du lịch; đặc biệt là sản phẩm du lịch chưa sáng tạo, dễ trùng lắp chưa đủ thu hút để tạo sức hấp dẫn với du khách: số lượng khách du lịch quay trở lại Vùng, lưu trú hay tham quản tour dài ngày chưa cao…do vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Từ những nhận định trên, đề tài “Thực Trạng Và Giải Pháp Sản Phẩm Du Lịch Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - được thực hiện nhằm góp phần tìm hiểu một cách có hệ thống thực trạng, cũng như đưa ra những giải pháp khả thi nhằm phát triển, nâng cao sản phẩm du lịch của Vùng, thúc đẩy hiệu quả kinh tế từ Du lịch – xứng đáng vị thế, tiềm năng và định hướng trong tương lai của Du lịch Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thực trạng khai thác sản phẩm du lịch của Vùng
Hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn vùng ĐBSCL bao gồm: các vùng sinh thái nhiệt đới, sông ngòi, kênh rạch khá phát triển, các vùng sinh thái còn tương đối hoang sơ với sự đa dạng các loài động thực vật, các vùng biển, đảo nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là Đảo ngọc Phú Quốc. Trong thời gian qua, tiềm năng du lịch tự nhiên của ĐBSCL mới được khai thác một phần để phát triển du lịch, các địa phương vùng ĐBSCL đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của mình đặc biệt là những tài nguyên thiên nhiên để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mang những nét đặc trưng riêng của Vùng. Qua nghiên cứu cho thấy vùng ĐBSCL có thể phát triển các loại hình du lịch đặc trưng căn cứ vào thế mạnh của Vùng như:
-         Du lịch sinh thái
-         Du lịch khai thác các giá trị văn hóa sông nước miệt vườn.
-         Du lịch khám phá
-         Du lịch nghỉ dưỡng.
-         Du lịch sinh thái biển đảo.
-         Du lịch MICE.

Vùng ĐBSCL mang tính chất của đồng bằng tiếp giáp biển, có điều kiện khí hậu ấm áp nên có nhiều tài nguyên tự nhiên có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, khu vực này có hệ sinh thái phong phú mang nhiều tính chất khác nhau như biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, cù lao châu thổ…nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Cũng do điều kiện khí hậu ấm áp, thuận lợi nên du lịch ĐBSCL không chịu ảnh hưởng mạnh bởi tính "mùa vụ" do tác động của thời tiết. Các tài nguyên du lịch tự nhiên của Vùng phân bố tương đối đồng đều, dễ tiếp cận nên các địa phương trong khu vực có nhiều thuận lợi khi khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển du lịch. Do ảnh hưởng của tính chất địa hình và khí hậu đồng đều trên khắp vùng lãnh thổ nên các tài nguyên du lịch tự nhiên của mỗi địa phương mang nhiều nét giống nhau, do vậy đây cũng là thách thức đối với từng địa phương khi khai thác tài nguyên tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa bàn.

Tài nguyên du lịch nhân văn của vùng đa dạng, phân bố rộng khắp, mỗi địa bàn có những đặc thù riêng. Tiềm năng về du lịch nhân văn của Vùng cũng đa dạng bao gồm đền, chùa, các lễ hội, các loại hình văn hoá dân gian, các di tích lịch sử…Với lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời, ĐBSCL có nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng có giá trị, cùng với nền văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc, đây là vốn văn hóa quí báu cũng như là tài nguyên du lịch có giá trị.

Trong Thời gian qua, các tuyến điểm du lịch đã được các doanh nghiệp du lịch vùng ĐBSCL tổ chức khai thác một cách triệt để và có hiệu quả, đảm bảo khai thác đúng với tiềm năng du lịch của các tỉnh trong Vùng từ đó đã tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng của Vùng như: tour lễ hội, tour mùa nước nổi, tour văn hóa, tour làng nghề, tour biển đảo, tour sinh thái…một số tour phổ biến ở vùng ĐBSCL thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước như: Tour Phú Quốc, tour Tiền Giang – Bến Tre, tour Vĩnh Long – Chợ nổi Cái Bè, tour Châu Đốc – Núi Bà Chúa Xứ, tour Châu Đốc – Hà Tiên – Cần Thơ – Phú Quốc, tour Cần Thơ – Hậu Giang,…Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có các khu du lịch tổng hợp Quốc gia như Khu du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau. Trong tương lai khu rừng ngập mặn Cà Mau sẽ nằm trong 10 khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Điểm nổi bật nhất là đảo Phú Quốc được xác định là khu du lịch biển đảo lớn của cả nước với các loại hình du lịch đặc trưng là nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá.
Thành phố Cần Thơ hiện được coi là đô thị du lịch của vùng ĐBSCL với nhiều ưu thế để phát triển các loại hình du lịch hỗn hợp như du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sông nước, du lịch sinh thái vườn trái cây,…

Bảng 4.6. Một số điểm du lịch thu hút du khách tại vùng ĐBSCL
TT
Điểm du lịch
Địa chỉ
Nội dung

LONG AN


1
Bảo tàng Long An
Tân An
Thăm quan, nghiên cứu lịch sử
2
Trại rắn Mộc Hoá
Huyện Mộc Hoá
Thăm quan, nghiên cứu
3
Khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen
Huyện Tân Hưng
Thăm quan, thắng cảnh

TIỀN GIANG


4
Chùa Vĩnh Tràng
Thành phố Mỹ Tho
Thăm quan, tâm linh
5
Cù lao Thới Sơn
Huyện Gò Công
Thăm quan sinh thái, miệt vườn
6
Trại rắn Đồng Tâm
Huyện Đồng Tâm
Thăm quan, nghiên cứu
7
Chợ nổi Cái Bè, cù lao Tân Phong
Huyện Cái Bè
Thăm quan sinh thái, miệt vườn

VĨNH LONG


8
Cù lao Bình Hoà Phước

Thăm quan miệt vườn
9
Khu du lịch Trường An
Thành phố Vĩnh Long
Thăm quan, vui chơi giải trí

BẾN TRE


10
Di tích Đồng Khởi
Huyện Mỏ Cày
Thăm quan, nghiên cứu
11
Sân chim Ba Tri
Huyện Ba Tri
Thăm quan, khám phá
12
Làng cây cảnh Cái Mơn
Huyện Chợ Lách
Thăm quan miệt vườn
13
Cồn Phụng, Cồn Quy, Cồn Ốc

Thăm quan sinh thái, miệt vườn

ĐỒNG THÁP


14
Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc
Thị xã Sa Đéc
Thăm quan, nghiên cứu
15
Vườn cò Tháp Mười
Huyên Tháp Mười
Tham quan, nghiên cứu, khám phá
16
Vườn sếu Tam Nông
Tam Nông
Thăm quan, nghiên cứu, khám phá
17
Vườn cây cảnh Sa Đéc
Thị xã Sa Đéc
Thăm quan miệt vườn
TT
Điểm du lịch
Địa chỉ
Nội dung

CẦN THƠ


18
Bến Ninh Kiều
Thành phố Cần Thơ
Thăm quan lịch sử
19
Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền

Thăm quan sinh thái, miệt vườn
20
Viện lúa ĐBSCL
Thành phố Cần Thơ
Thăm quan, nghiên cứu
21
Đại học Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ
Thăm quan
TT
Điểm du lịch
Địa chỉ
Nội dung

AN GIANG


22
Khu di tích đồi Tức Dục
Huyện Tri Tôn
Thăm quan lịch sử
23
Nhà lưu niệm Bác Tôn
Thành phố Long Xuyên
Thăm quan di tích lịch sử
24
Đình Châu Phú
Thị xã Châu Đốc
Thăm quan di tích
25
Làng Chăm
Thị xã Châu Đốc
Thăm quan, nghiên cứu

KIÊN GIANG


26
Hòn phụ tử - Chùa Hang
Huyện Hà Tiên
Thăm quan, lễ hội
27
Đình Nguyễn Trung Trực
Rạch Giá
Thăm quan lịch sử
28
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo
Rạch Giá
Thăm quan, tâm linh
29
Thạch Động
Thị xã Hà Tiên
Thăm quan, nghiên cứu
30
Mũi Nai
Thị xã Hà Tiên
Nghỉ dưỡng tắm biển
31
Hòn Đất
Huyện Hòn Đất
Thăm quan, khám phá
32
Phú Quốc
Huyện Phú quốc
Nghỉ dưỡng, khám phá, giải trí
Nguồn: Hiệp hội Du lịch vùng ĐBSCL và nghiên cứu, khảo sát của tác giả 2015

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có những tiềm năng du lịch dồi dào và độc đáo, không giống bất kỳ vùng miền nào trên cả nước, du lịch ở đây hấp dẫn không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên mà cả tính cách con người đất phương Nam cũng là một “sản phẩm du lịch đặc sắc”.
Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu mỗi tỉnh trong Vùng cũng có những điểm du lịch lý thú mà chưa được khám phá hết như: Đồng Tháp có vườn Quốc gia Tràm Chim, có hệ sinh thái độc đáo; Hậu Giang có Lung Ngọc Hoàng, một sinh cảnh thiên nhiên đặc biệt; Cà Mau có U Minh Hạ, rừng ngập nước ngọt, rừng đước nước mặn, khu Đất Mũi nên thơ và Hòn Khoai lịch sử; Bến Tre có 2 làng nghề nổi tiếng như làng Nghêu Bình Đại, làng mỹ nghệ từ cây dừa; ở huyện Châu Thành, Tiền Giang có Cù lao Phú Sơn; đất Gò Công sản sinh ra 2 Hoàng Hậu; Vĩnh Long có làng gốm, làng bưởi 5 roi nổi tiếng (Bình Minh); Kiên Giang có chùa Hang, cảnh đẹp Hà Tiên nổi tiếng và đảo Phú Quốc hấp dẫn . Riêng An Giang, địa phương duy nhất ở ĐBSCL có vùng núi nổi tiếng - Thất Sơn, núi Sam, núi Sập, Ba Thê tiềm năng lớn cho thăm quan du lịch và du lịch tâm linh...

Những năm vừa qua du lịch vùng ĐBSCL luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, lượng khách du lịch trong Vùng đều đạt mức tăng ổn định, đây chính là một tín hiệu lạc quan không chỉ đối với du lịch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà của cả ngành du lịch Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và lịch sử tương đối đồng nhất, nên các tài nguyên và sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL có nhiều đặc tính chung, từ đó sản phẩm du lịch của Vùng dễ bị trùng lắp, gây khó khăn trong việc thu hút khách và giữ khách, đồng thời dễ nảy sinh những hiện tượng cạnh tranh trong nội bộ Vùng làm giảm hiệu quả kinh doanh du lịch và ảnh hướng tới hình ảnh, cũng như chất lượng sản phẩm du lịch nói chung của toàn vùng ĐBSCL.

 Chính sách và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của Vùng
·        Chính sách phát triển sản phẩm du lịch của Vùng
- Phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của từng địa phương trong vùng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong Vùng, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch “xanh”.
- Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
- Phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng như: du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch văn hóa cội nguồn; du lịch tham quan miệt vườn, sông nước; du lịch tham quan di tích; du lịch lễ hội, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng biển đảo

·        Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của Vùng
Để du lịch của vùng thật sự trở thành điểm sáng thu hút được du khách trong và ngoài nước đến ĐBSCL trước hết cần duy trì các yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc trưng ở mỗi địa phương, từ cơ sở những điều kiện sẵn có ngày càng nâng cao chất lượng cũng như quan tâm đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch một cách có hệ thống, đồng bộ. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch không gây ảnh hưởng đến môi trường mà thế giới đang hướng đến là các sản phẩm du lịch “xanh”.

Các địa phương trong vùng ĐBSCL cần khẩn trương xây dựng những chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23-01-2015 của Bộ tng BVăn hóa - Thể thao và Du lịch. Trong đó, cần chú trọng 3 nội dung có tính đột phá là: (1) Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch (2) Tạo nguồn lực vật chất đầu tư (3) Phát triển nguồn nhân lực du lịch để triển khai thực hiện đề án.

Du lịch vùng ĐBSCL cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức thu hút cao, ấn tượng, đa dạng, phong phú ở từng địa phương, và liên kết cả vùng không trùng lắp. Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Các địa phương trong Vùng tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp tiềm năng du lịch của từng tỉnh, từng khu vực gắn với những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử, con người, để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

Căn cứ vào thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, những nét văn hoá đặc trưng của Vùng và thị hiếu của du khách trong và ngoài nước, ĐBSCL cần tập trung phát triển những dòng sản phẩm du lịch chính là:

- Sản phẩm du lịch sinh thái: Sản phẩm du lịch này bao gồm trong nó những giá trị tiêu biểu nhất của sông nước vùng ĐBSCL mà không thể có được ở bất cứ vùng miền nào trong cả nước, nó gắn liền với các cù lao và vùng đất ven sông, sinh hoạt sông nước truyền thống như chợ nổi gắn với cảnh quan sông nước lồng trong không gian văn hóa đờn ca tài tử đậm “chất” Nam Bộ. Các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù tại ĐBSCL như du lịch sinh thái tại các sân chim, tràm chim, rừng tràm ngập nước nội địa vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Các khu vực này kết nối thuận tiện bằng đường thủy, bắt đầu tại huyện Tân Hưng (Long An) và kết thúc tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp); du lịch sinh thái tại các sân chim, rừng tràm, rừng đước ngập mặn bán đảo Cà Mau; Du lịch sinh thái biển đảo tại Phú Quốc như lặn biển, khám phá hệ sinh thái biển đảo san hô, các loài thủy sinh, bò biển... kết hợp với khám phá rừng, núi, suối, thác trên đảo. Hiện nay du lịch trên đảo ngày càng tăng trưởng và phát triển mạnh với đường hàng không quốc tế và nội địa thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhanh, cơ sở lưu trú phát triển mạnh. Chính phủ đã có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc để phát triển toàn diện đảo ngọc Phú Quốc, trong đó mũi nhọn đột phá là phát triển du lịch toàn diện, đa dạng.

- Sản phẩm du lịch văn hóa cội nguồn: do các địa phương trong vùng nhìn chung có những nét văn hóa tương đồng, nên loại hình này chỉ nên được phát triển tại những nơi có những nét văn hoá đặc sắc nhất, và có điều kiện thuận lợi nhất. Các hoạt động gắn liền với loại hình du lịch này là tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân trên các cồn như Hưng Phong, Tân Lộc, tham quan làng Việt cổ tại Long Tuyền Cần Thơ - nơi đây còn giữ lại được nhiều ngôi nhà cổ với các vật dụng quí giá từ đầu thế kỷ 20, tham quan tìm hiểu đời sống, truyền thống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng và Tịnh Biên - An Giang, đồng bào Chăm tại Châu Đốc và Hà Tiên gắn với dòng họ Mạc. Ngoài ra, còn sản phẩm du lịch gắn với tham quan nghiên cứu di tích khảo cổ tại thành cổ Óc Eo (An Giang) là một sản phẩm đặc sắc của An Giang và cả vùng. Bảo tàng Khơ Me tại Sóc Trăng cần được đầu tư thỏa đáng để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của vùng. Viện lúa ĐBSCL hiện là một điểm tham quan của Cần Thơ, nên được đầu tư bổ sung theo hướng phúc vụ du lịch ví dụ xây dựng Bảo tàng lúa nước sẽ hoàn toàn có thể trở thành một điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch của ĐBSCL.

- Sản phẩm du lịch tham quan miệt vườn, sông nước: Đây chính là sản phẩm đặc thù nhất của ĐBSCL, và cũng là sản phẩm thường gặp nhất ở du lịch vùng ĐBSCL. Hiện nay, khách du lịch của sản phẩm này thường đến các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang. Các đối tượng tham quan chủ yếu là miệt vườn, đi thuyền tham quan chợ nổi và các khu du lịch do người dân tự đầu tư với các hoạt động chủ yếu là thưởng thức cây trái, ẩm thực, tham quan các công đoạn làm bánh tráng, nấu rượu, đan lộp, đan lưới, làm kẹo dừa mang tính trình diễn phục vụ du lịch. Tuy nhiên, những hoạt động du lịch gần tương tự, đặt trong bối cảnh tự nhiên tương đồng, lại mang tính chất thương mại, trình diễn nên sản phẩm du lịch của các địa phương trên bị hiểu nhầm là đơn điệu và nhàm chán. Để khắc phục tình trạng này cần có thiết kế sản phẩm phù hợp từng nhóm đối tượng, từng phân đoạn thị trường riêng biệt.

+ Đối với các đoàn khách lớn, mang tính đại trà thì những sản phẩm này là phù hợp, sản phẩm này dành cho các đoàn khách có thể được cung cấp tại các khu vực: Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Phụng và bảy xã ven sông (Châu Thành, Bến Tre) gắn với chợ nổi Cái Bè, cù lao An Bình, như tại khu vực nhà ông Sáu Giáo và vườn ông Năm (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) và khu vực Phong Điền với làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ) và cồn Ấu gắn với các chợ nổi Phong Điền, Cái Răng, Phụng Hiệp.

+ Các đoàn khách du lịch nhỏ hoặc các nhóm khách lẻ cần hướng tới các khu vực khác ít mang tính thương mại hơn, tự nhiên hơn, gần gũi với đời sống thực của người dân như tại cồn Ốc (Hưng Phong, Giồng Trôm, Bến Tre), cồn Quy và cồn Tiên (Bến Tre), cồn Tân Lộc (Cần Thơ), làng Chăm Phũm Xoài (An Giang).

- Du lịch tham quan di tích: Loại hình du lịch này tham quan các di tích lịch sử cách mạng gắn liền với lịch sử khai mở, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước trong thời kì cận đại và hiện đại, có thể chia nhóm tài nguyên du lịch này thành 02 loại chính là thăm quan các di tích gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; thăm quan các di tích lịch sử và di tích gắn với danh nhân trước thời kì Pháp thuộc.

+ Các di tích trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ bao gồm các chiến khu, trong đó nổi trội nhất là căn cứ Năm Căn tại Cà Mau, khu căn cứ Trung ương cục miền Nam (tại Hoa Mai, U Minh Thượng, Kiên Giang), xứ ủy Nam kỳ (tại Bến Tre), các chiến trường nổi tiếng như Ấp Bắc (Tiền Giang), chiến thắng Tầm Vu (Hậu Giang), di tích Đồng Khởi (Bến Tre), các nhà tù nơi địch giam giữ đồng bào, chiến sỹ trong đó nổi tiếng nhất là nhà tù Phú Quốc, nhà tưởng niệm các lãnh tụ (Bác Hồ, Bác Tôn, bà  Nguyễn Thị Định...).

+ Các di tích thời kỳ cận hiện đại có thể kể đến chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, thành Trương Công Định (Tiền Giang), đền thờ Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang), lăng Cửu Mạc (Kiên  Giang)...

- Phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng: Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lễ hội thu hút lượng vô cùng lớn khách du lịch. Nổi bật nhất là Lễ hội vía bà chúa Xứ (An Giang) thu hút hàng triệu khách du lịch nội địa trong năm; Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) thu hút hàng chục ngàn khách du lịch; Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo Sóc Trăng; Lễ hội nghinh ông Nam Hải (Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh; Lễ Chon Chnam Thmay (lễ đón năm mới của người Khơ Me); Lễ hội trái cây (Bến Tre). Trong đó, lễ hội vía bà chúa xứ là lễ hội thu hút khách nội địa lớn nhất. Các lễ hội Ok Om Bok, đua ghe ngo và đua bò Bảy Núi là những lễ hội có khả năng thu hút khách quốc tế cao.Tuy nhiên để những lễ hội này có thể thu hút được thị trường khách ngoại vùng, đặc biệt là khách quốc tế thì cần được nghiên cứu tổ chức theo hướng phục vụ du lịch, và đặc biệt là có các nội dung và phương thức quảng bá, xúc tiến phù hợp.

- Du lịch thương mại, công vụ (MICE): Loại hình du lịch MICE phù hợp nhất là tại Cần Thơ và Phú Quốc. Với vị trí là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của một vùng rộng lớn, đông dân, trù phú, Cần Thơ có đầy đủ điều kiện phát triển du lịch gắn với thương mại, Phú Quốc có sự hấp dẫn của hòn đảo biệt lập, có môi trường trong lành, nguyên sơ, với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phù hợp với việc tổ chức các sự kiện, hội thảo quốc tế, các chuyến nghỉ mát xây dựng tinh thần tập thể của các doanh nghiệp (incentives, corporate events). Đây chính là thế mạnh đặc biệt của Phú Quốc và thực tế thời gian qua rất nhiều các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức các hoạt động này tại Phú Quốc.Trong tương lai Phú Quốc hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh thị trường này với các điểm đến khác trong khu vực.

- Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo: Đây cũng là thế mạnh của vùng ĐBSCL với các địa danh như Phú Quốc, Cà Mau, Hà Tiên.
Do nhiều khu vực trong vùng ĐBSCL có điều kiện tương đối tương đồng về tự nhiên, văn hoá, xã hội nên những sản phẩm du lịch dễ bị trùng lặp. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch của Vùng, thì các địa phương trong Vùng chỉ nên đầu tư phát triển một số loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với nguồn lực tài nguyên nổi bật nhất và các điều kiện có liên quan thuận lợi nhất, không nên phát triển dàn trải dễ tạo ra sự trùng lắp và nhàm chán cho du khách khi đến du lịch vùng ĐBSCL.

            Tóm lại, Đồng bằng Sông Cửu Long là một vùng có đầy đủ các tiềm năng và yếu tố để phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đặc sắc, hấp dẫn; do đó, ngành du lịch của Vùng hoàn toàn có thể thay đổi thực trạng hiện tại bằng việc sớm triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này có ý nghĩa to lớn không chỉ riêng cho sự phát triển du lịch Vùng đồng bằng Sông Cửu Long mà còn cho cả các doanh nghiệp, các tố chức khác có thêm cơ hội để hội nhập, phát triển và thu hút đầu tư đem lại diện mạo mới cho Vùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Quyết định số 201/QĐ – TTg về phê duyệt “ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
Quyết định số 803/QĐ – BVHTTDL về việc phê duyệt “đề án phát triển du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long đến năm 2020”.
Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Báo cáo tổng hợp “ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nhà Xuất bản Lao động, Hà Nội”.
Viện chiến lược phát triển, Bộ kế hoạch Đầu tư, Các vùng, tỉnh, thành trực thuộc Trung ương: Tiềm năng và triển vọng đến năm 2020, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009.
World Economy Forum, The Travel & Tourism Competitiveness Report 2013 – Reducing Barriers to Economic Growth and Job Creation.

World Travel & Tourism Council “Travel & Tourism, Economic Impact 2013, Viet Nam”.
                                               
Tiến sĩ: NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG
                                             (Tổng công ty Thái Sơn – Bộ quốc phòng)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyên đề "Phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long trong hội nhập quốc tế" - TS.Nguyễn Hoàng Phương

CHƯƠNG 4: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 4.1. Tổng quan du lịch vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế 4.1.1 Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá - xã hội ảnh hưởng đến phát triển du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long Vẻ đẹp rừng U Minh ĐBSCL được xác định là một trong bảy vùng kinh tế quan trọng nằm ở cực Nam của lãnh thổ Việt Nam với vị trí địa lí thuận lợi, ĐBSCL là cầu nối giao thương giữa các nước trong khu vực. ĐBSCL là nơi được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng,… Sự phát triển không ngừng của ĐBSCL trong những năm qua luôn hàm chứa những giá trị văn hóa tinh thần lớn lao, đó là sự kết tinh từ bao công sức của những người đi khai hoang, mở mang vùng đất mới và của biết bao thế hệ đã góp sức dựng nên. Theo thời gian các giá trị văn hóa của mảnh đất này ngày càng được khẳng định và phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững. Những ưu thế này giúp ĐBSCL có khả năng đa dạng...

Chuyên đề "Phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long trong hội nhập quốc tế" - TS.Nguyễn Hoàng Phương

CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KHUNG PHÂN  TÍCH CỦA LUẬN ÁN 3.1 Phương pháp tiếp cận nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án thuộc chuyên ngành Kinh tế chính trị, vì vậy tác giả đã sử dụng các phương pháp tiếp cận nghiên cứu như: phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hóa khoa học, phương pháp nghiên cứu liên ngành. 3.2 Các phương pháp nghiên cứu cụ thể Bên cạnh các phương pháp tiếp cận nghiên cứu, tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như: Phương pháp nghiên cứu tại bàn: thông qua việc tập hợp tất cả các thông tin dữ liệu, số liệu… liên quan đến đề tài luận án, từ đó phân tích, đánh giá, chọn lọc các dữ liệu liên quan đến phát triển du lịch ĐBSCL trong hội nhập quốc tế; Phương pháp nghiên cứu thống kê, mô tả: dùng để thu thập thông tin về các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án, thu thập số liệu thứ cấp đáng tin cậy từ đó lựa chọn những thông tin và tài liệu phù hợp làm cơ sở cho việc ngh...